Công tác truyền thông về ATTP được đẩy mạnh, đổi mới phương pháp truyền thông. Triển khai thường xuyên, kịp thời, đồng bộ từ huyện đến xã, thị trấn, ấp, khu phố. Sự quan tâm của xã hội đối với vấn đề ATTP ngày càng nhiều. Nhận thức của người tiêu dùng và người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, người kinh doanh dịch vụ ăn uống được nâng lên.
Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông đồng thời phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội huyện và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật, kiến thức về an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống và người tiêu dùng với nhiều hình thức trên hệ thống truyền thông. Kết quả: triển khai văn bản pháp luật mới ban hành 13 lớp với 385 người dự, tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh trên địa bàn huyện 685 lần, họp nhóm 43 buổi với 679 người, băng rôn 48 tấm.
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ATTP tại địa phương, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 6447/QĐ-UBND ngày 03/11/2023 về việc thành lập lại Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo liên ngành huyện về an toàn thực phẩm. Theo đó, đứng đầu Ban Chỉ đạo là Chủ tịch UBND huyện, Trưởng phòng Y tế làm Phó Trưởng ban Thường trực, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng làm Phó Trưởng ban, các thành viên là lãnh đạo các ngành huyện… Ban Chỉ đạo cũng đã thành lập Tổ giúp việc và ban hành quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong việc đảm bảo vệ sinh thực phẩm trên địa bàn huyện.
Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, triển khai các công tác đảm bảo ATTP trên địa bàn quản lý tập trung vào các đợt cao điểm như: Tết Âm lịch, Tết Trung thu, Tháng hành động… Đồng thời, đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh, chế biến thuộc phạm vi liên ngành và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý sử dụng nguồn lực (tổ chức bộ máy, kinh phí)
Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm huyện, Đội Quản lý thị trường số 5, Ban Chỉ đạo 389 của huyện đã phối hợp trong công tác kiểm tra hàng năm và tham mưu chỉ đạo thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn huyện. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội đã có sự phối hợp trong việc tuyên truyền.
Công tác xây dựng các mô hình điểm, phát triển các vùng sản xuất an toàn, phát triển chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ an toàn
Thời gian qua, việc sản xuất theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) đã được các cơ sở quan tâm đăng ký thực hiện nhằm tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ nhu cầu thị trường. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện đã có 09 cơ sở được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trong đó trên lĩnh vực trồng trọt 07 cơ sở, lĩnh vực chăn nuôi 02 cơ sở. Các cơ sở đã được cấp giấy chứng nhận:
+ Hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thạnh, ấp 5 xã Mỹ Thạnh.
+ Tổ hợp tác trồng rau AFA Farm, ấp Bà Nghiệm, xã Mỹ Lạc
+ Công ty TNHH SX CN Vạn Hưng Thịnh, ấp 3 xã Tân Thành.
+ Tổ hợp tác sản xuất nếp ấp 4 xã Long Thuận.
+ Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tân Thành, ấp 3 xã Tân Thành.
+ Hợp tác xã Chăn nuôi bò Bình Thạnh, ấp Bà Phổ, xã Bình Thạnh.
+ Hợp tác xã Thủy sản, Nông nghiệp, Dịch vụ công nghệ cao xã Long Thạnh.
+ Tổ hợp tác trồng thanh long ấp 2, xã Mỹ Phú.
+ Tổ hợp tác trồng dưa lưới ấp 4, xã Mỹ Phú.
Trong năm 2024, huyện tiếp tục đăng ký và đề nghị tỉnh hỗ trợ cấp giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP cho 02 cơ sở là Hợp tác xã Nông nghiệp Toàn Thắng Mỹ Lạc và Hợp tác xã Nông nghiệp Long Thuận-Thủ Thừa.
UBND xã Tân Thành phối hợp Công ty TNHH Một thành viên The Fruit Republic Cần Thơ xây dựng các mô hình trồng chanh theo tiêu chuẩn GlobalGAP xuất khẩu sang Trung Đông, Châu Âu. Đến nay, diện tích trong các mô hình đạt 120 ha.
Bên cạnh hỗ trợ cấp giấy chứng nhận VietGAP, việc thiết lập và cấp mã số vùng trồng nội địa đã đạt được địa phương quan tâm, qua đó cũng góp phần định hướng nông dân sản xuất chuyên nghiệp hơn, đáp ứng tiêu chuẩn và nhu cầu của thị trường. Đến nay, huyện đã cấp 04 mã vùng trồng cho các tổ chức là tổ hợp tác, công ty với diện tích 92 ha trên cây lúa, cây chanh tại xã Tân Thành, Bình Thạnh và Mỹ Lạc.
Công tác quản lý, cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP thuộc phân công, phân cấp quản lý
Từ năm 2023 đến nay, các cơ quan, đơn vị chuyên môn đã khảo sát, thẩm định và cấp được 73 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP cho 73 cơ sở.
Công tác quản lý điều kiện bảo đảm ATTP đối với các bếp ăn tập thể, căn-tin tại: các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp; các trường mầm non, tiểu học, trung học,... trên địa bàn
Qua thống kê đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 746 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó:
* Tỉnh quản lý:
+ Cơ sở sản xuất: 21 cơ sở.
+ Bếp ăn tập thể và suất ăn sẵn (tỉnh quản lý): 45 cơ sở.
* Huyện quản lý:
+ Cơ sở kinh doanh thực phẩm (tạp hóa): 263 cơ sở.
+ Số cơ sở dịch vụ ăn uống: 314 cơ sở. Số cơ sở thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ATTP: 121 cơ sở.
+ Số cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố: 103 cơ sở.
Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra và cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, việc kiểm tra, giám sát được tiến hành chặt chẽ nên thời gian qua chưa có vụ ngộ độc nào xảy ra.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã ban hành nhiều văn chỉ đạo công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong các trường học, các trường cũng đã chủ động trong việc ký các hợp đồng để cung cấp thực phẩm nhằm đảm bảo nguồn gốc và xuất xứ. Đến nay, hầu hết các trường bán trú đều đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và chưa để xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm nào trong các trường bán trú.
6. Việc triển khai tổ chức thực hiện quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh không thuộc diện cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP tại địa phương (theo Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP)
Việc quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở không thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được thực hiện theo đúng quy định, huyện đã chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh.
Thường xuyên tiến hành kiểm tra, nhắc nhở để công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm ngày càng đi vào nề nếp.
Công tác điều tra, giám sát, phân tích các nguy cơ gây ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo nguy cơ, phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tình hình ngộ độc thực phẩm và khắc phục sự cố về ATTP; công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm
Hàng năm, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn như Phòng Y tế, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Thanh tra Chi cục Quản lý chất lượng nông sản tỉnh, tiến hành lấy mẫu thực phẩm nghi ngờ để tiến hành phân tích, qua đó đánh giá tình trạng an toàn thực phẩm để có những cảnh báo kịp thời đối với người sản xuất và người tiêu dùng.
Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn cũng thường xuyên nắm bắt thông tin, phản ánh của người dân, tiến hành kiểm tra xác minh nhằm đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng cung cấp thông tin kịp thời để định hướng dư luận xã hội, tránh lan truyền các thông tin thất thiệt ảnh hưởng xấu đến người dân và doanh nghiệp.
Công tác phòng ngừa và biện pháp khắc phục ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm
Các ngành liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp thực hiện công tác giám sát phân tích các mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm, dự báo nguy cơ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, điều tra xử lý kịp thời khi xảy ra ngộ độc thực phẩm.
Từ ngày 01/01/2023 đến 30/6/2024, trên địa bàn huyện không có xảy ra ngộ độc thực phẩm
Thực hiện các thủ tục hành chính và cải cách hành chính về ATTP
Về các thủ tục hành chính, thực hiện kỷ cương hành chính, nghiêm túc rà soát, tuân thủ phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực ATTP theo thẩm quyền, ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm tích hợp số liệu ATTP. Tăng cường cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về ATTP
Công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành được tăng cường, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Tháng hành động, Tết Trung thu; xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm. Thực hiện tốt các chương trình, mô hình điểm về ATTP thức ăn đường phố thực hiện đồng bộ từ huyện đến xã, nội dung thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm.
Từ ngày 01/01/2023 đến ngày 30/6/2024 Đoàn kiểm tra liên ngành huyện, xã về ATTP đã tiến hành kiểm tra 793 lượt cơ sở, trong đó nhắc nhở 138 cơ sở. Qua kiểm tra, một số cơ sở chưa xuất trình được giấy khám sức khỏe của người phụ bán, giấy phép được buôn bán rượu, bia và giấy xác nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Trong quá trình thanh tra, kiểm tra Đoàn kiểm tra liên ngành kết hợp tuyên truyền, hướng dẫn các quy định an toàn thực phẩm đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.