Kết quả 02 năm triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện
1. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo
Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo tỉnh và UBND tỉnh, kịp thời chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện.
Quán triệt sâu sắc tinh thần "chống dịch như chống giặc", không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và kiên trì 5 nguyên tắc "ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng dập dịch, điều trị hiệu quả". Sau khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên vào ngày 14/7/2021, UBND huyện đã khẩn trương chỉ đạo tập trung truy vết những người tiếp xúc gần, tổ chức khoanh vùng, nhằm hạn chế đến mức tối đa không để lây lan ra cộng đồng.
UBND huyện xây dựng phương án, kế hoạch, chỉ đạo phòng dịch cụ thể, quyết liệt, toàn diện, phù hợp với từng diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện, đáp ứng mục tiêu "vừa đảm bảo phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội".
Ban Chỉ đạo cấp huyện được kiện toàn với 28 thành viên, do đồng chí Bí thư Huyện ủy làm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên, chỉ đạo, chịu trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thành lập Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện do đồng chí Chủ tịch UBND huyện làm Chỉ huy trưởng, ban hành quy chế hoạt động và phân công cụ thể cho từng thành viên. Bảo đảm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất, xuyên suốt; kịp thời tiếp nhận, xử lý, báo cáo theo thẩm quyền mọi vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.
Thường xuyên tổ chức các cuộc họp đánh giá tình hình và đề ra các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, ban hành các văn bản, quyết định chỉ đạo về phòng, chống dịch theo chỉ đạo của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tiễn của huyện. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội chung sức phòng, chống dịch sớm đưa huyện Thủ Thừa trở lại trạng thái bình thường mới, được cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo (Trong năm 2020, UBND huyện đã ban hành 182 văn bản chỉ đạo, gồm: quyết định 04, kế hoạch: 05; công văn: 173. Năm 2021, đã ban hành 205 văn bản chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có 05 kế hoạch, 88 công văn, quyết định: 110, thông báo: 02 và một số văn bản có liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện). Ngoài ra, huyện còn lập các nhóm Zalo của Ban Chỉ đạo, Trung tâm Chỉ huy, các Tiểu ban nhằm thông tin kịp thời chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, sở ngành tỉnh đến các thành viên triển khai, thực hiện.
2. Công tác y tế
2.1. Diễn biến tình hình dịch bệnh
Trong năm 2020, trên địa bàn huyện không ghi nhận ca mắc Covid-19. Số trường hợp F2 là 143.
Năm 2021, cộng dồn từ đầu năm đến ngày 22/11/2021, huyện Thủ Thừa ghi nhận: 833 F0, trong đó tiêm 1 mũi là 90 trường hợp, tiêm đủ 2 mũi là 249 trường hợp, chưa tiêm 494 trường hợp. Số chuỗi, chùm ca bệnh là 30. Số ca tử vong 15 ca, chiếm tỷ lệ 1,8% (Thị trấn 06, Mỹ Thạnh 01, Nhị Thành 05, Bình Thạnh 01, Bình An 01, Tân Long 01). Số trường hợp F1 là 2.106, F2 là 2.062, được thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế.
2.2. Công tác truy vết, cách ly, xét nghiệm và điều trị
- Cách ly y tế để phòng, chống dịch: Huyện đã triển khai thiết lập 41 vùng cách ly tại 09 xã Mỹ Thạnh, Mỹ Phú, Nhị Thành, Bình Thạnh, Mỹ An, Mỹ Lạc, Long Thuận, Tân Long, Tân Thành và thị trấn Thủ Thừa, với 716 hộ, 3 công ty, 90 phòng trọ với 2.925 nhân khẩu. Hiện nay áp dụng các biện pháp cách ly, điều trị tại nhà đối với các trường hợp F1, F0 đủ điều kiện theo quy định.
- Công tác xét nghiệm: Về công tác xét nghiệm, UBND huyện đã chỉ đạo tập trung huy động các lực lượng nhân viên ngành y tế, các tình nguyện viên, sinh viên, y bác sĩ đã nghỉ hưu tham gia hỗ trợ công tác chống dịch; khi phát hiện có trường hợp nghi ngờ đã thực hiện truy vết nhanh, phân loại cách ly kịp thời. Tổng số test nhanh kháng nguyên đã thực hiện 35.748 mẫu; PCR đơn 14.231 mẫu; PCR gộp 14.865 mẫu.
- Công tác điều trị: Trên địa bàn huyện có 01 bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Chi cục Thuế Tân An - Thủ Thừa và Trường Tiểu học thị trấn Thủ Thừa được thành lập theo Quyết định số 7300/QĐ-UBND ngày 24/7/2021 của UBND tỉnh (Bệnh viện dã chiến số 14), với quy mô 900 giường. Bệnh viện dã thu dung điều trị 1.351 người nhiễm.
2.3. Công tác triển khai các biện pháp y tế đảm bảo phòng, chống dịch
UBND huyện trình UBND tỉnh ra quyết định thành lập 04 khu cách ly tập trung với 650 giường (cơ sở Trường Tiểu học và THCS Tân Thành 300 giường; cơ sở trụ sở UBND xã Long Thành 70 giường; cơ sở Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện 130 giường; cơ sở Trường Tiểu học Nhà Dài 150 giường), 01 bệnh viện dã chiến 900 giường. Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Y tế, UBND các xã, thị trấn tổ chức các khu cách ly tạm thời cho những trường hợp test nhanh dương tính chờ kết quả PCR khẳng định trong quá trình sàng lọc cộng đồng.
Huyện ban hành Quyết định thành lập 02 đội phản ứng nhanh, cấp xã thành lập 12 Tổ truy vết thực hiện công tác truy vết lấy mẫu xét nghiệm; thành lập 23 đội tiêm ngừa; 12 Trạm Y tế lưu động để chủ động ứng phó với các tình huống dịch bệnh theo từng cấp độ; cấp xã thành lập 79 Tổ Covid cộng đồng.
Trên cơ sở Kế hoạch của Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh về thiết lập các trạm, chốt kiểm soát phòng, chống dịch bệnh Covid 19, huyện đã xây dựng Kế hoạch và thành lập 06 chốt kiểm soát cấp huyện; cấp xã thành lập 38 chốt; thành lập 03 Tổ tuần tra lưu động cấp huyện. Ngoài ra, UBND huyện thành lập 03 Đoàn kiểm tra về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện.
Nhìn chung, công tác phòng, chống dịch Covid-19 được tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, đặc biệt là thực hiện nghiêm việc giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 và Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ; các chốt kiểm soát, tổ tuần tra thường xuyên kiểm tra chặt chẽ việc di chuyển của người dân trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của 79 Tổ Coivd cộng đồng trong việc tuyên truyền, theo dõi, giám sát, từ đó nâng cáo ý thức, trách nhiệm của người dân trong chấp hành giãn cách xã hội, các quy định về phòng, chống dịch được thực hiện nghiêm túc.
2.4. Công tác tiêm vắc xin ngừa Covid-19:
Trong thời gian dịch bệnh, bên cạnh việc thực hiện đẩy mạnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định, UBND huyện chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn huyện. Tính đến ngày 22/11/2021 trên địa bàn huyện tỷ lệ người từ 18 tuổi trở lên được tiêm vắc xin đạt 99,9%; tỷ lệ người từ 65 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi đạt 99%; tỷ lệ người từ 50 tuổi trở lên tiêm đủ 2 mũi: 99,5%; tỷ lệ người 16-17 tuổi tiêm vắc xin đạt 86,3%.
3. Công tác an ninh, trật tự xã hội
Triển khai áp dụng, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại từng thời điểm. Xác định thời gian giãn cách xã hội là "thời gian vàng"để kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất có thể, không để dịch bệnh lây lan, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội các lực lượng chức năng, Tổ tuần tra lưu động đã tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh, kết quả: số vụ vi phạm quy định phòng, chống dịch là 514 trường hợp; ra quyết định xử phạt 496 trường hợp, với số tiền 974.570.000 đồng.
4. Công tác an sinh xã hội, vận động hỗ trợ người gặp khó khăn do ảnh hưởng trực tiếp của dịch Covid-19
Về cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm: Nguồn kinh phí tiếp nhận hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện trong thời gian qua cả huyện và xã là:
Năm 2020: 1.144.392.000 đồng, trong đó tiền mặt: 203.891.000 đồng, nhu yếu phẩm trị giá 940.501.000 đồng, gồm: 6.011 phần quà, 26.140 khẩu trang, 1.267 chai nước rửa tay, 9 tấn gạo.
Năm 2021: 36.060.950.000 đồng, trong đó gồm 481 tấn gạo, trị giá 6.731.500.000 đồng; thực phẩm, nhu yếu phẩm trị giá 29.329.450.000 đồng. Cấp đến các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, các khu phong tỏa và những hộ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện.
Về công tác đảm bảo an sinh xã hội và triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do dịch Covid-19:
- Trong năm 2020: Chi hỗ trợ cho 8.798 người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ chính sách, bảo trợ xã hội, bán vé số bị ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19 với tổng số tiền 9.929.500.000 đồng.
- Trong năm 2021: Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Để triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ kịp thời cho người dân, huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo rà soát đối tượng được hỗ trợ theo quy định. Kết quả đến nay huyện đã chi: Hỗ trợ cho 6.488 đối tượng, với số tiền 12.976.000.000 đồng (trong đó 831 người bán vé số); hỗ trợ cho 11 công ty để chi hỗ trợ cho 505 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với số tiền 1.634.360.000 đồng.
Đề nghị Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh thẩm định trình UBND tỉnh xem xét hỗ trợ cho 27 công ty (có 7.915 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động), với số tiền 25.273.270.000 đồng; xét cho 791 hộ kinh doanh ngừng kinh doanh thực hiện giãn cách xã hội theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, với số tiền 2.373.000.000 đồng (UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt, huyện đang thực hiện các thủ tục để tiến hành chi hỗ trợ).
5. Công tác tài chính, hậu cần
Trong năm 2020: Tổng chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 là 10.587.421.000 đồng, cụ thể:
- Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP: 9.929.500.000 đồng.
- Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 37/NQ-CP: 658.421.444 đồng.
Trong năm 2021: Tổng nhu cầu kinh phí cho công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn huyện là: 115.457.000.000 đồng, cụ thể:
- Kinh phí chi cho công tác phòng, chống dịch: 48.678.088.000 đồng.
- Kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP: 65.882.000.000 đồng.
6. Thực hiện Kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh
Khẩn trương triển khai cụ thể hóa Kế hoạch số 3222/KH-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh để chủ động thực hiện các giải pháp về phục hồi sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn; phối hợp các sở ngành tỉnh hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn huyện sớm phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong trạng thái bình thường mới, đảm bảo các quy định về phòng, chống dịch khi hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại, nhất là tuân thủ quy định "Y tế tại chỗ" trong hoạt động, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động và doanh nghiệp; tăng cường phối hợp công tác kiểm tra, kịp thời hỗ trợ giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong phục hồi sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, với quyết tâm hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021; nhất là khẩn trương thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các giải pháp khôi phục sản xuất, kinh doanh trong trạng thái bình thường mới và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 (đến nay các doanh nghiệp, các cửa hàng tiện ích, chợ, các dịch vụ khác đã hoạt động trở lại sau thời gian thực hiện giãn cách xã hội).
Toàn huyện có 229 doanh nghiệp với số lao động 17.948 (trong Khu công nghiệp 28 doanh nghiệp, với 14.774 lao động; ngoài khu 201 doanh nghiệp với 3.174 lao động). Hiện nay đang hoạt động 84 doanh nghiệp với 15.825 lao động (trong khu công nghiệp 24 doanh nghiệp với 13.575 lao động, ngoài khu 60 doanh nghiệp với 2.250 lao động).
Tuy nhiên, có một số doanh nghiệp hoạt động trở lại chưa thực hiện đầy đủ theo nội dung yêu cầu của Kế hoạch số 3222/KH-UBND ngày 04/10/2021 của UBND tỉnh về việc phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An, cụ thể: Chưa xây dựng phương án phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, huyện để được kiểm tra và hỗ trợ hướng dẫn. Chưa tổ chức xét nghiệm âm tính với Covid-19 bằng phương pháp PCR trong vòng 72 giờ đối với công nhân khi trở lại làm việc. Chưa chuẩn bị nơi dự kiến cách ly F0, F1 để dự phòng khi có tình huống dịch Covid-19 xảy ra và chưa có bộ phận y tế.
7. Công tác huy động nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch Covid-19
Trong thời gian qua, huyện đã huy động cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng tình nguyện viên tham gia công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại huyện là 1.745 người, trong đó:
- Nguồn nhân lực của ngành y tế 227 người (ngành y tế công lập 202 người, trong đó cấp huyện là 126 người và cấp xã 76 người); ngành y tế ngoài công lập được 25 người (cán bộ y tế nghỉ hưu).
- Huy động 02 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khối đảng, đoàn thể và cơ quan nhà nước, cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn huyện.
- Huy động 120 viên chức sự nghiệp giáo dục và đào tạo tham gia hỗ trợ lấy mẫu sàng lọc, nhập liệu mẫu xét nghiệm, nhập liệu tiêm vắc-xin phòng, chống Covid-19 trên địa bàn huyện Thủ Thừa.
- Huy động lực lượng công an, quân sự huyện, xã, dân quân, dân phòng cơ động tham gia phòng, chống dịch gồm 304 người.
- Cấp xã: đã huy động cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách cấp xã, ấp, khu phố, chi hội viên, đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên tham gia gồm 1.092 người.
8. Công tác truyền thông
UBND huyện đã chỉ đạo phòng Văn hóa và Thông tin; Trung tâm Văn
hóa, Thông tin và Truyền thanh huyện; UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo
dõi, cập nhật các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế; các nội dung chỉ
đạo, triển khai của UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh và các văn bản chỉ đạo của
huyện liên quan công tác phòng, chống dịch Covid-19 để thường xuyên tuyên
truyền, tăng thời lượng các giờ trong ngày để thông tin, tuyên truyền kịp thời
trên hệ thống truyền thanh từ huyện đến các xã, thị trấn và các Trạm truyền
thanh ấp, khu phố; trên các trang mạng xã hội và trên các phương tiện truyền
thông khác; tuyên truyền trực quan và xe thông tin tuyên truyền lưu động. Bên cạnh đó, Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Ban Dân vận Huyện ủy và Ủy
ban MTTQ Việt Nam huyện cùng các đoàn thể huyện đã tập trung chỉ đạo trong
hệ thống đoàn viên, hội viên, tuyên truyền viên làm tốt công tác giáo dục tư
tưởng, tuyên truyền để đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham
gia phòng chống dịch, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước,
lời kêu gọi của Chủ tịch UBND tỉnh đồng thời thực hiện tốt định hướng thông
tin, định hướng dư luận, kiểm soát kịp thời các thông tin lệch lạc gây hoang
mang trong người dân.
Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn huyện,
kịp thời xử lý các tình huống phát sinh trong quá trình triển khai các biện pháp
phòng chống dịch, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công
điện số 1102/CĐ-TTg ngày 23/8/2021 về việc tăng cường các biện pháp
phòng, chống dịch Covid-19 trên toàn quốc, Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 huyện đã thông báo đường dây nóng để tiếp nhận đối với các trường hợp cần giải quyết trong quá trình triển khai các biện pháp phòng chống dịch Covid-19; các thông tin được tiếp nhận 24/24 giờ để tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Chỉ đạo Trung tâm Chỉ huy cấp xã, thị trấn cung cấp thông tin đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin cần xử lý trong quá trình triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Ban biên tập