Tại Việt Nam ghi nhận 01 ca cúm A (H5N1) từ gia cầm lây sang người tử vong tại Khánh Hòa, phát hiện 01 ca cúm A (H9N2) tại tỉnh Tiền Giang, đây là chủng mới tại Việt Nam.
Bên cạnh đó tình hình dịch bệnh tay chân miệng hiện nay cũng chưa có chiều hướng giảm. Tại huyện Thủ Thừa, tính đến hết ngày 14/4/2024 ghi nhận 17 ca mắc, tăng 5,6 lần so với cùng kỳ (năm 2023: 03 ca); bệnh sốt xuất huyết giảm so với cùng kỳ nhưng do người dân vẫn giữ thói quen trữ nước, điều này cũng làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết.
Một số bệnh dự phòng bằng vắc xin hiện nay bắt đầu có chiều hướng gia tăng, ngoài bệnh dại có số ca tiêm ngừa tăng 20% so với cùng kỳ, trong đó số ca tiêm huyết thanh kháng dại tăng 5% so với cùng kỳ; bệnh bạch hầu, ho gà, sởi cũng phát hiện rải rác tại các tỉnh, thành phố làm tăng nguy cơ dịch bệnh phát triển. UBND huyện chỉ đạo thực hiện như sau:
1. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Tiếp tục phối hợp với ngành Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn kịp thời chia sẻ thông tin ngay khi phát hiện hoặc nhận được thông tin về các trường hợp chó, mèo mắc bệnh Dại cũng như ổ dịch cúm gia cầm trên địa bàn; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân và thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Tăng cường công tác tiêm phòng vắc xin cho súc vật và gia cầm nuôi nhằm đảm bảo giảm bớt nguy cơ bệnh dịch lây sang người.
- Tổ chức kiểm tra, giám sát việc quản lý chó, mèo nuôi để phòng bệnh Dại, ổ dịch cúm trên địa bàn để có biện pháp chống dịch kịp thời.
2. Phòng Tài chính - Kế hoạch cân đối, bố trí kinh phí thường xuyên cho các ban ngành để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn.
3. Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường học phối hợp với ngành Y tế tuyên truyền trong trường học cho học sinh, khuyến khích phụ huynh đưa trẻ đến tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh và các biện pháp chủ động phòng, chống bệnh truyền nhiễm, đặc biệt là bệnh dại, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A.
4. Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Truyền thanh, chỉ đạo tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về phòng, chống bệnh truyền nhiễm như bệnh dại, sởi, tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A...
5. Phòng Y tế tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình dịch bệnh nhất là các dịch bệnh nguy hiểm như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, bệnh dại… Chủ động phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kịp thời tham mưu UBND huyện chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả.
6. Trung tâm Y tế
- Tăng cường công tác lấy mẫu các ca bệnh nghi ngờ cúm, sởi, bạch hầu, bại liệt, sốt xuất huyết, tay chân miệng gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật chuyển lên Viện Pasteur xét nghiệm tìm tác nhân để đề ra biện pháp dập dịch phù hợp.
- Chuẩn bị tốt cơ sở vật chất sẵn sàng tiếp nhận bệnh, thu dung điều trị bệnh đúng theo quy định của Bộ Y tế.
- Cập nhật thông tin ca bệnh hàng ngày lên hệ thống báo cáo của phần mềm Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế theo đúng quy định.
- Trang bị đủ thuốc, hóa chất, trang thiết bị đảm bảo tầm soát và ngăn chặn, xử lý ổ dịch kịp thời không để dịch lây lan trên địa bàn.
- Thực hiện báo cáo theo đúng quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT.
7. Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn
- Thực hiện các biện pháp chủ động phòng bệnh sốt xuất huyết trước khi bắt đầu mùa mưa bão, giám sát các điểm giữ trẻ tự phát trên địa bàn về công tác phòng, chống dịch, đảm bảo các điểm giữ trẻ tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch hạn chế tình trạng dịch bệnh tay chân miệng lây lan trong cộng đồng.
- Tăng cường công tác truyền thông về các bệnh truyền nhiễm có thể dự phòng bằng vắc xin, khuyến khích người dân đưa trẻ đến tiêm ngừa đúng lịch, truyền thông về các biện pháp, phòng chống dịch cho người dân biết để thực hiện.
Ban biên tập