Triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2025 trên địa bàn huyện
Theo nhận định của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn (KTTV) Quốc gia: Từ tháng 02-5/2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Cửu Long về hạ lưu và ĐBSCL ở mức thấp hơn Trung bình nhiều năm (TBNN) từ 5- 12%. Mực nước sông Cửu Long dao động theo triều với xu thế xuống dần. Xâm nhập mặn vào sâu tại các cửa sông ở khu vực ĐBSCL vào giữa tháng 02/2025, tại một số thời điểm có khả năng thiếu nước cục bộ do xâm nhập mặn vào sâu. Các địa phương ở vùng ĐBSCL cần triển khai các biện pháp chủ động phòng, chống xâm nhập mặn, cập nhật các thông tin dự báo hàng ngày, dự báo tháng đề phòng tình hình KTTV có những diễn biến phức tạp.
Theo bản tin dự báo KTTV thời hạn mùa khu vực tỉnh Long An của Đài KTTV tỉnh Long An (từ tháng 01/2025 đến tháng 6/2025):
Dự báo độ mặn trên hai sông Vàm Cỏ: Trong mùa khô 2024-2025, tổng lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê công về đầu nguồn sông Cửu Long có khả năng thấp hơn TBNN. Mực nước đầu nguồn các sông Vàm Cỏ, Rạch Cát, sông Tra, Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều và ở mức xấp xỉ TBNN, xâm nhập mặn vùng cửa sông Soài Rạp, Vàm Cỏ ở mức cao hơn TBNN.
Trong trường hợp cực đoan, thời gian thiếu mưa kéo dài kết hợp với việc sử dụng và khai thác tài nguyên nước trong khu vực (tăng sử dụng nước trên các dòng nhánh và trữ nước tại các đập) dẫn đến tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn kéo dài hơn và trở nên trầm trọng hơn. Lân cận Cầu Nổi không có nước ngọt trong suốt mùa khô kể cả vào lúc triều thấp.
Để chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó với đợt hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn mùa khô năm 2024-2025, góp phần chủ động nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trên địa bàn; UBND huyện triển khai thực hiện các giải pháp chủ động phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô 2025 trên địa bàn huyện.
Đối với lĩnh vực thủy lợi
Thường xuyên đo đạc, theo dõi diễn biến tình hình chất lượng nguồn nước, xâm nhập mặn trên các tuyến sông trục chính và các tuyến kênh, rạch trong nội đồng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, dự báo, cảnh báo thời tiết, thiên tai của các cơ quan chuyên ngành: Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đài khí tượng Thuỷ văn Long An nhằm kịp thời thông báo đến các ngành, UBND các xã, thị trấn, tổ chức cá nhân, doanh nghiệp và người dân trong huyện biết và chủ động triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước phục vụ sinh hoạt cho người dân.
Tổ chức kiểm tra tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn để kịp thời nắm bắt, chỉ đạo, điều hành cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh đảm bảo không để người dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Tuyên truyền, vận động Nhân dân tranh thủ lấy nước, trữ nước trong thời gian cống điều tiết vận hành lấy nước ngọt khi độ mặn ngoài sông giảm để chủ động nguồn nước sử dụng trong thời gian các cửa cống phải đóng kín để ngăn mặn. Theo dõi diễn biến xâm nhập mặn để vận hành hợp lý các cống điều tiết trên sông Vàm Cỏ Tây, trạm bơm Rạch Đào, Cây Gáo để bơm tích nước bổ sung vào các kênh, rạch nội đồng đảm bảo đủ nước phục vụ sản xuất.
Tăng cường phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan quản lý nguồn nước trên sông Vàm cỏ Tây qua hệ thống cống trên tuyến Quốc lộ 62 để sớm có biện pháp phòng ngừa, ứng phó, ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Vàm Cỏ Tây vào các kênh, rạch nội đồng.
Đối với lĩnh vực trồng trọt
Thường xuyên thông tin, tuyên truyền đến Nhân dân theo dõi chặt chẽ các dự báo khí tượng thủy văn, kiểm tra thực tế tình hình nguồn nước, dịch bệnh gây hại cây trồng tại địa phương để bố trí kế hoạch sản xuất phù hợp, thích ứng, linh hoạt, hợp lý với diễn biến nguồn nước kết hợp xây dựng bản đồ cơ cấu mùa vụ.
Đối với các xã phía Nam của huyện cần chú ý theo dõi những khu vực dễ bị ảnh hưởng của triều cường, xâm nhập mặn nên chuyển sang các cây trồng ngắn ngày, cây trồng sử dụng ít nước tưới và áp dụng các giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để đảm bảo cung cấp đủ nguồn nước tưới cho cây trồng. Đặc biệt, các khu vực bị ảnh hưởng xâm nhập mặn cần chủ động nạo vét ao, kênh, mương nội đồng, sử dụng biện pháp tích trữ nước, tuân thủ theo khuyến cáo của các ngành chức năng.
Tăng cường đẩy mạnh công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), sản xuất theo hướng hữu cơ, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng các giải pháp, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, tưới tiên tiến, tiết kiệm nước để bảo đảm hiệu quả sản xuất.
Trước khi lấy nước, cần kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ mặn cao hơn >1‰. Đối với một số cây ăn quả mẫn cảm với mặn như sầu riêng,... không tưới nước có độ mặn > 0,5‰. Trong thời gian bị nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt (kéo dài thời gian giữa 2 lần tưới, giảm số lần tưới và lượng nước tưới).
Về lĩnh vực cấp nước sinh hoạt nông thôn
- Rà soát, thống kê, đánh giá khu vực, số hộ dân có khả năng bị ảnh hưởng không có nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, xâm nhập mặn năm 2024- 2025.
Tăng cường các hoạt động thông tin, truyền thông về tình hình hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn và các biện pháp chỉ đạo, ứng phó đến các cơ quan, đơn vị có liên quan và nhân dân để chủ động phối hợp ứng trong thời gian xảy ra hạn, xâm nhập mặn.
Rà soát hiện trạng các trạm cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tuyến ống cấp nước đảm bảo nguồn nước sinh hoạt nông thôn vào mùa khô.
Biện pháp công trình
Triển khai thi công đối với các công trình thủy lợi đã được bố trí vốn, đảm bảo đáp ứng nhu cầu cấp nước sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt.
Khảo sát khu vực có khả năng bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và thực hiện đắp ngay các đập tạm tại đầu các tuyến kênh ngang nối với sông, kênh trục bị nhiễm mặn đảm bảo không để nước mặn xâm nhập vào nội đồng.
Tổ chức kiện toàn các tổ quản lý, vận hành hệ thống các cống theo phân cấp quản lý trên địa bàn.
Rà soát, tu bổ, tôn cao các tuyến bờ bao xung yếu bị thẩm thấu, bờ bao có cao trình thấp, nhất là hệ thống các cống trong vùng cây ăn trái xã Tân Thành.