Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh
Qua tổng kết thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh theo Công văn số 3832/UBND-NCTCD, ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh đã đạt những kết quả nhất định, tình hình cháy, nổ, tai nạn, sự cố đối với các loại hình trên không xảy ra. Tuy nhiên, trong triển khai thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, nguy cơ cháy, nổ tại các cơ sở nêu trên còn tiềm ẩn lớn.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả, duy trì thường xuyên công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh; đồng thời, thực hiện Kế hoạch số 273/KH-BCA-C07, ngày 01/6/2022 của Bộ Công an và Công văn số 6736/UBND-NCTCD, ngày 25/7/2022 của UBND tỉnh về tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể huyện; Chủ tịch UBND xã, thị trấn thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
1. Tăng cường tuyên truyền phổ biến và tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị số: 656/CT-UBND, ngày 12/4/2022 của UBND huyện về tăng cường công tác lắp đặt, bảo quản, sử dụng hệ thống cấp nước chữa cháy trên địa bàn huyện; Quyết định số 7119/QĐ-UBND, ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về an toàn PCCC đối với khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số: 1378/KH-UBND, ngày 06/5/2021 của UBND tỉnh triển khai phòng ngừa ngăn chặn các vụ cháy lớn trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số: 3464/KH-UBND, ngày 26/10/2021 của UBND tỉnh về thực hiện kết luận số 02-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Công văn số 4300/UBND-NC, ngày 28/6/2021 của UBND huyện về việc thực hiện cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; Công văn số:2432/UBND-NCTCD, ngày 22/3/2022 của UBND tỉnh về việc tổ chức, hoạt động và trang bị phương tiện PCCC và CNCH cho lực lượng Dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành.
2. Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính, phòng là “xây”; chữa là “chống”; lấy phòng là “cơ bản - chiến lược - lâu dài”, làm tốt công tác phòng cháy để giảm công tác chữa cháy; phương châm là: Từng nhà an toàn - từng khu phố an toàn - từng xã, thị trấn an toàn. Đối với công tác chữa cháy phải xác định “thời điểm vàng” để thực hiện công tác chữa cháy không quá 05 phút kể từ khi vụ cháy xảy ra. Vì vậy, cần phải huy động tối đa lực lượng chữa cháy ngay từ khi vụ cháy mới xảy ra theo phương châm “04 tại chỗ”, trong đó coi trọng những lực lượng có mặt nhanh nhất với phương châm: Lực lượng ở trong dân - phương tiện ở trong dân - hậu cần ở trong dân và chỉ huy ở trong dân.
3. Công an huyện:
- Tham mưu UBND huyện hoàn thiện các quy định về PCCC đối với khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là quy định nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh có từ 02 tầng trở lên phải có lối thoát nạn thứ 02, trang bị phương tiện chữa cháy và lắp đặt hệ thống báo cháy tự động. Triển khai, giám sát việc thực hiện quy định của Chủ tịch UBND huyện về điều kiện an toàn PCCC đối với khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đến các cơ quan quản lý và 100% chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh;
- Phối hợp với Đài truyền thanh và các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong thực hiện các quy định về PCCC; tăng cường hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng thành thạo ứng dụng báo cháy 114 và Zalo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH;
- Phối hợp UBND xã, thị trấn xây dựng và nhân rộng các mô hình “tổ liên gia an toàn về PCCC”, “Điểm chữa cháy công cộng” theo phương thức tự trang bị chuông báo cháy, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tại khu dân cư; sau 06 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá, hoàn thành tiêu chí và nhân rộng. Đồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình chợ an toàn về PCCC và CNCH;
- Tiếp tục kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở được phân công quản lý trong khu dân cư, yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị; xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Nội dung kiểm tra bảo đảm theo quy định tại khoản 2 điều 16 Nghị định số: 50/2020/NĐ-CP, ngày 10/5/2024 của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh;
- Tăng cường công tác thường trực sẵn sàng phối hợp lực lượng chữa cháy khu vực Công an tỉnh kịp thời xử lý có hiệu quả các vụ cháy, nổ mới phát sinh; xây dựng và tổ chức thực tập, diễn tập phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ của cơ quan Công an đối với khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao, cơ sở nguy hiểm về cháy, nổ trong khu dân cư có huy động lực lượng Dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở tham gia;
- Tham mưu UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra đối với các đơn vị xã, thị trấn trong thực hiện tuyên truyền, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy khu dân cư hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
4. Trung tâm Văn hóa, thông tin và Truyền thanh:
Chủ trì, phối hợp Công an huyện, UBND xã, thị trấn tăng thời lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật, kỹ năng về PCCC và CNCH nhất là cảnh báo nguy cơ cháy, nổ có thể xảy ra tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, các biện pháp thoát nạn, cứu người để người dân biết tự giác thực hiện.
5. UBND xã, thị trấn:
- Nâng cao vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH, tập trung vào các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở trong khu dân cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới mạnh mẽ về hình thức, cách thức, phương pháp, nội dung tuyên truyền theo hướng thực chất, hiệu quả, nhất là tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ năng về PCCC, thoát hiểm,…đối với từng người dân;
- Tiếp tục hướng dẫn 100% nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh duy trì lối thoát nạn thứ 02 đã mở (qua ban công, lô gia, lối lên mái, thang dây, ống tụt…); trang bị bình chữa cháy xách tay, dụng cụ phá dỡ thô sơ; có phương án xử lý tình huống cháy, nổ, thoát nạn an toàn và thường xuyên tổ chức thực tập phương án. 100% khu dân cư thành lập, kiện toàn và duy trì hiệu quả hoạt động của đội Dân phòng, Bảo vệ dân phố, Dân quân tự vệ bảo đảm thực chất, hiệu quả và phát huy được phương châm “04 tại chỗ”;
- Tổ chức xây dựng và nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” “Điểm chữa cháy công cộng” theo phương thức tự trang bị chuông báo cháy, phương tiện, thiết bị PCCC và CNCH tại hộ gia đình của tổ liên gia; sau 06 tháng tổ chức sơ kết, đánh giá, hoàn thành tiêu chí và nhân rộng. Đồng thời, phối hợp xây dựng các mô hình chợ an toàn về PCCC và CNCH (Hoàn thành trong tháng 12/2024);
- Chỉ đạo Công an xã, thị trấn tổ chức nắm tình hình, điều tra cơ bản , lập danh sách 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo quy định. Đặc biệt lưu ý các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy, nổ cao, khả năng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng để tăng cường tối đa biện pháp quản lý về PCCC;
- Tiếp tục thành lập các Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra an toàn về PCCC đối với 100% hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh, cơ sở được phân cấp quản lý trong khu dân cư (kiểm tra định kỳ 01 năm một lần); yêu cầu chủ hộ gia đình, chủ hộ kinh doanh, người đứng đầu cơ sở khắc phục các tồn tại, vi phạm về PCCC và CNCH đã được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, kiến nghị; xử lý 100% hành vi vi phạm về PCCC và CNCH. Nội dung kiểm tra bảo đảm theo quy định tại khoản 2 điều 16 Nghị định số: 50/2020/NĐ-CP, ngày 10/5/2024 của Chính phủ và quy định của UBND tỉnh. Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định đảm bảo an toàn PCCC và CNCH trong việc lắp đặt các biển hiệu tại các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không đảm bảo theo quy định và buộc phải tháo bỏ hoặc chỉnh sửa theo đúng quy định nhằm đảm bảo việc thoát nạn, cứu người, triển khai các hoạt động chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khi có cháy, nổ xảy ra.
6. Các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện và UBND xã, thị trấn huy động lực lượng, phương tiện triển khai đồng bộ các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn các vụ cháy, nổ, đặc biệt là tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các cơ sở trong khu dân cư trên địa bàn huyện.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện và các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo các thành viên và hệ thống cơ quan trực thuộc tham gia thực hiện nội dung văn bản này, góp phần thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn huyện.