Tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn huyện
Thời gian qua, công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn huyện đã được các ngành, đoàn thể, đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân quan tâm, tổ chức thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra một số vụ cháy đã làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh và cuộc sống của Nhân dân. Nguyên nhân chủ yếu là do một số cơ quan, doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ và duy trì tốt các điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC và CNCH; một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là, chưa quan tâm đúng mức đối với công tác PCCC và CNCH, còn có biểu hiện đối phó hình thức; vi phạm quy định pháp luật về PCCC và CNCH còn xảy ra... Bên cạnh đó, do tác động của biến đổi khí hậu làm nguy cơ cháy, nổ, tai nạn, sự cố ngày càng gia tăng.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn huyện; UBND huyện yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện một số nhiệm vụ như sau:
Tiếp tục tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các quy định của pháp luật về PCCC và CNCH; Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCCC; Nghị quyết số 99/2019/QH14 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật về PCCC; Quyết định số 1635/QĐ-TTg ngày 22/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị định số 83/2017/NĐ-CP, ngày 18/7/2017 của Chính phủ quy định về công tác cứu nạn, cứu hộ của lực lượng PCCC; Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật PCCC và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật PCCC; Quyết định số 2231/QĐ-TTg ngày 28/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch hạ tầng PCCC thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 7119/QĐ-UBND, ngày 18/7/2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy đối với khu dân cư, nhà ở riêng lẻ, nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Thực hiện nghiêm các nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của UBND huyện về công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, trọng tâm là: (1) Công văn số 1427-CV/TU, ngày 07/11/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong việc tổ chức thực hiện một số vấn đề trong công tác PCCC và CNCH trên địa bàn tỉnh; (2) Quyết định số 7607/QĐ-UBND, ngày 30/7/2024 của UBND tỉnh về việc công bố tài liệu, kỹ thuật hướng dẫn giải pháp cấp thiết, tăng cường điều kiện an toàn PCCC trên địa bàn tỉnh Long An; (3) Công văn số 12985/UBND-NCTCD, ngày 13/12/2024 của UBND tỉnh về tăng cường thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; (4) Công văn số 7595/UBND-NC, ngày 30/12/2024 của UBND huyện về tăng cường thực hiện công tác PCCC và CNCH tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn huyện; (5) Kế hoạch số 423/KH-UBND, ngày 02/02/2023 của UBND huyện về triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới và Công văn số 6222/UBND-NC, ngày 05/11/2024 của UBND huyện về việc tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; (6) Kế hoạch số 7602/KH-UBND, ngày 26/12/2024 của UBND huyện về Tổ chức khắc phục các hạn chế, thiếu sót, kiến nghị của Đoàn kiểm tra UBND tỉnh về kiểm tra việc thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC và CNCH năm 2024.
Thủ trưởng các các cơ quan, ban ngành, đoàn thể huyện, Chủ tịch UBND các xã, thị trấn phải trực tiếp chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục của cơ quan, đơn vị mình và chịu trách nhiệm nếu để xảy ra cháy, nổ, tai nạn, sự cố diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng trên địa bàn; đề cao ý thức, kỹ năng của người dân trong an toàn phòng, chống cháy, nổ. Tăng cường công tác kiểm tra, siết chặt công tác quản lý nhà nước về PCCC và CNCH; để xuất cấp trên xử lý nghiêm, thu hồi giấy phép, đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở không đủ điều kiện về an toàn PCCC và CNCH theo quy định.
Phát huy vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và Nhân dân trong công tác PCCC và CNCH; thường xuyên tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân thực hiện, chấp hành quy định về công tác PCCC và CNCH tại nơi làm việc, khu dân cư; chủ động phát hiện, kiến nghị, đề xuất các giải pháp nhằm xử lý, khắc phục triệt để nguy cơ cháy, nổ tại nơi ở và nơi làm việc; phối hợp tổ chức thực hiện hiệu quả "Ngày toàn dân Phòng cháy, chữa cháy - 4/10” và “Tháng toàn dân Phòng cháy, chữa cháy - Tháng 10” hàng năm.