image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Lịch sử

Thủ Thừa làm một huyện của tỉnh Long An, nằm ở phía Tây Bắc thị xã Tân An, Đông Bắc giáp Huyện Bến Lức và huyện Tân Trụ, Tây giáp huyện Thạnh Hoá, Nam và Tây Nam giáp thị xã Tân An, Bắc giáp Huyện Đức Huệ có diện tích 263,55 km2, có 13 xã, thị trấn.

Quá tình mở mang khai phá vùng đất Thủ Thừa, trải qua các thời kỳ lịch sử, trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược cũng như sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất nước nhà.

Do vị trí đại lý và đặc điểm của huyện Thủ Thừa nằm trong căn cứ Đồng Tháp Mười, phía Tây giáp Sài Gòn có hành lang chiến lược Đông – Tây, nên Thủ Thừa có nhiều biến đổi về tổ chức địa giới và hành chánh. Năm 1689, khi Nguyễn Hữu Cảnh lập phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn làm quận Tân Bình, thì Thủ Thừa là phần đất thuộc tổng Thuận An, một trong 4 tổng của quận Tân Bình, dinh Phiên Trấn.

Năm 1802, phủ Gia Định đổi thành trấn Gia Định, rồi đến năm 1809 trấn Gia Định lại đổi thành trấn Phiên An, (thuộc Gia Định thành) thì quận Tân Bình được thăng lên thành phủ, trong đó có tổng Thuận An thành huyện Thuận An.

Năm 1837, huyện Thuận An đổi tên là huyện Cửu An, cho đến khoảng năm 1920 lại mang tên: Thủ Thừa, huyện Cửu An hoặc Thủ Thừa cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và sau này, có 4 tổng 29 xã (bao gồm các xã cảu huyện Tân Trụ và huyện Đức Huệ hiện nay).

Trước và sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 tỉnh Tân An gồm 3 quận: Châu Thành, Mộc Hoá, Thủ Thừa, quận Thủ Thừa lúc này gồm cả quận Đức Huệ và Tân Trụ. Năm 1946, Trung tướng Nguyễn Bình lấy 5 xã phía bắc Thủ Thừa lập quân khu Đông Thành, rồi khi huyện Đức Hoà được nhập thêm vào thành huyện Đức Hoà Thành. Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, năm xã thuộc huyện Đông Thành nhập về huyện Thủ Thừa, sau đó lập thành huyện Đức Huệ.

Cuối năm 1953 sau khi nhập tỉnh Tân An vào Mỹ Tho và Gò Công, lập tỉnh Mỹ Tho mới (hoặc Mỹ-Tân – Gò) ta lại cắt bớt một số xã phái Bắc của huyện Châu Thành, huyện Thủ Thừa và 3 xã huyện Châu Thành (Mỹ Tho) lập thành huyện Thủ Thừa, các xã còn lại phía Nam huyện Thủ Thừa lập thành huyện mới là Tân Trụ, sau năm 1954 các xã thuộc Mỹ Tho trả lại về tỉnh Mỹ Tho.

Năm 1976, Thủ Thừa hợp nhất với Bến Lức, thành huyện Bến Thủ. Nhưng đến năm 1983 lại tách ra thành 2 huyện: Bến Lức và Thủ Thừa như trước (trừ các xã Bình Chánh, Bình Nhựt, Bình Đức và Thạnh Lợi vẫn thuộc huyện Bến Lức).

Về nguồn gốc địa danh Thủ Thừa, theo truyền tụng trong dân gian, qua ký ức của các cụ già, vào đầu thế kỷ XIX, có một người tên là Mai Tự Thừa đến khai phá vùng đất quanh đình Vĩnh Phong ngày nay, chiêu tập một số người đến đây lập làng rồi sau đó lập chợ. Ông được chính quyền phong kiến lúc bấy giờ cử làm thủ ngự lo việc thu thuế (cũng có thể là thủ bồn (giữ quỹ) thủ khoán (giữ tài sản) hay thủ chỉ (giữ giấy tờ, sắc thần) hoặc lo giữ gìn an ninh trật tự... hiện chưa có tư liệu đầy đủ để xác minh). Ông Thừa có tham gia vào cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi (1833-1835) về sau bị mất tích. Từ tên chợ mang tên của người, trở thành tên của một thị trấn, một con kênh Thủ Thừa rồi sau cùng là tên của quận hay huyện Thủ Thừa.

Ngược lại thời gian, vùng đất Long An nói chung và Thủ Thừa nói riêng cho đến đầu thế kỷ 17 về cơ bản vẫn còn lại một vùng đất hoang vu, chưa được khai phá. Khắp nơi là rừng rậm, đầm lầy. Nhưng kể từ đầu thế kỷ 17 trở đi, bộ mặt vùng đất này bắt đầu biến đổi.

Từ đầu thế kỷ 17, nhiều nông dân nghèo ở miền đất Trung do không chịu nổi sự áp bức bóc lột đến cùng cực của chế độ phong kiến đàng trong và sự tàn hại của chiến tranh giữa 2 tập đoàn phong kiến Trịnh- Nguyễn; lại là nơi đất hẹp người đông, thời tiết khắc nghiệt, thường bị bão lụt, khó làm ăn... nên đã rời bỏ quê cha đất tổ lưu tán vào vùng Đồng Nai, Gia Định với hy vọng tạo dựng một cuộc sống mới ở một vùng đất nghe nói là dễ sống và ở đó chế độ phong kiến hà khắc chưa với tới.

Số lưu dân này, mới đầu họ đặt chân khai phá ở vùng Bà Rịa-Đồng Nai- Bến Nghé. Tiếp sau đó, những lưu dân tiến dần khai khẩn những giồng đất cao ráo ở vùng Cần Đước, Cần Giuộc, Thủ Thừa và các giồng đất ven sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây.

Thế kỷ 18, những dòng lưu dân tiếp tục đến Thủ Thừa- Tân An vùng đất khai phá ngày một mở rộng thêm. Tham gia khai phá ngày ấy, ngoài số lưu dân cũ và mới còn có một bộ phận binh lính của chúa Nguyễn. Các đơn vị quân đội của Chúa Nguyễn, trong những lần hành quân xuống phía Nam, ở những điểm dừng chân, lúc đóng quân họ thường tổ chức khai phá đất đai chung quanh địa điểm rút quân để mở rộng thêm diện tích canh tác, giải quyết một phần lương thực tại chổ.

Thủ Thừa, nhờ nằm trên con đường Thiên Lý (đắp vào năm 1970) và con sông nối liền Gia định với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, thị trấn Thủ Thừa phát triển khá nhanh. Quận Thủ Thừa khá lớn có đủ nhà thương, sở bưu điện, nhà việc và có đặc điểm là ghe xuồng qua lại suốt ngày đêm, địa thế quan trọng hơn địa thế Châu Thành-Tân An, có lần người ta định dời Châu Thành Tân An về Thủ Thừa và làm thêm một quảng đường xe lửa nối 2 nơi đó với nhau.

Chợ Thủ Thừa vừa là một  chổ giáp nước, vừa nằm trên con đường kênh rạch từ Sài Gòn về Miền Tây do rạch Bến Lức, Kinh mới, rạch Thủ Thừa, kênh Bà Bèo, kênh Tổng Đốc Lộc (sau đổi là Nguyễn Văn Tiếp), kênh Tháp Mười và Tiền Giang, Hậu Giang. Con đường này ngắn hơn lại ít sóng gió hơn con đường sông lớn, từ đường sông Soài Rạp, sông Vàm Cỏ Lớn, kênh Chợ Gạo, Tiền Giang, Hậu Giang, nên ghe xuồng thường đi con đường Thủ Thừa, nhất là trong mùa nước đổ. Còn chổ giáp nước là chổ đổi con nước, ghe thường đầu lại chờ con nước sau. Trong khi chờ người ta lên bờ mua thức ăn, đồ dùng, uống trà, uống cà phê thế là tự nhiên nổi lên cái chợ. Tới những giờ đổi con nước tự nhiên ghe xuồng đi về hai nghã: Lên Sài Gòn và về Miền Tây, chiếc trước, chiếc sau, chiếc lớn, chiếc nhỏ, với những chiếc buồm vàng hoặc trắng, gió hây hây phất phất, chiếc áo các cô chèo ghe với những câu hò "Gặp nhau còn biết trên sông, bến nào", tiếng hò từ biệt người bạn đường mới gặp nhau mà đã phải xa nhau, cảnh và người thật nhộn nhịp cực kỳ linh động và thú vị.

Năm 1829, Minh Mạng ra chỉ vụ huy động 16.000 dân Định Tường và Phiên An đào vét sông Trà Cú (gồm Trà Cú Thượng và Trà Cú Hạ, sông này gồm 2/3 nằm trên đất Thủ Thừa, để ghe thuyền qua lại được thuận lợi. Vùng giáp nước Thủ Thừa trở thành nơi nối liền sông Vàm Cỏ Tây (ở Bình An) đến sông Vàm Cỏ Đông (ở xã Thạnh Đức) tạo nên con đường nước thông thương thuận lợi. Vàm Thủ Đoàn là nơi ghe thuyền tụ tập buôn bán khá sầm uất, có lẽ vì vậy mà đoạn sông này còn mang tên là sông Lợi Tế.

Ngoài kênh Thủ Thừa còn có kênh Bo Bo (đầu năm 1930) chạy song song với sông Vàm Cỏ Tây theo hướng Tây Bắc- Đông Nam, là con đường thuỷ ngắn nhất từ Thủ Thừa đi Đức Huệ. Hai kênh trên cùng với hệ thống các kênh đào khác vừa là mạng lưới giao thông thủy thuận tiện, vừa hệ thống thoái lũ xả phèn cho khu vực phía bắc của huyện và một số huyện nằm về phía thượng nguồn: Đức Huệ, Thạnh Hoá, Vĩnh Hưng, Mộc Hoá...

Mặc dù còn nhiều khó khăn và hạn chế, thành quả lao động của những lớp người khai phá và xây dựng trong 2 thế kỳ 17, 18 là to lớn và rất đáng khâm phục. Với tinh thần lao động cần cù và dũng cảm, họ chung sức, chung lòng ra sức chinh phục thiên nhiên với những rựa chặt rừng, lưỡi phảng phát cỏ, con trâu, chiến cày, giáo gươm đánh sấu, đuổi cọp... chịu đựng nắng mưa, muỗi, mòng, vắt, đỉa... Họ cùng nhau chung lưng đấu cật, dựa vào sức mạnh của cộng đồng đã biến vùng đất hoang, đầm lầy, đầy rừng rậm và cỏ lác thành một vùng có dân cư trù phú, phát triển thành nhiều mặt: nông, lâm, nghiệp, thủ công nghiệp (lúa, cá, rừng, bàng, sắn, gạch, rèn) giao lưu hàng hoá làm cầu nối giữa Thủ Thừa- Thị xã Tân An với Sài Gòn và Đồng bằng Sông Cửu Long.

Trong quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống mới, nhưng đức tính truyền thống vốn có của dân tộc như: cần cù, chịu khó, kiên cường, bất khuất... của những lớp người đến lao động khai phá trên vùng đất Thủ Thừa, lại được bồi đắp thêm những đức tính truyền thống tốt đẹp trong mối quan hệ giữa những con người cùng cảnh ngộ, nghèo khó, phiêu bạt, lao động cực nhọc để kiếm sống như chuộng nghĩa tình, sống thuỷ chung, sẵn sàng chia bùi xẻ ngọt, trọng nghĩa kính tài, ghét áp bức, cường quyền... thiên nhiên vùng đất Thủ Thừa bao la hào phóng, tuy khắc nghiệt nhưng cũng dễ làm ăn.. cũng góp phần tạo cho họ một nếp sống hào hiệp, phóng khoáng, ưa thích tự do, những đức tính tốt đẹp ấy được hun đúc thành những phẩm chất truyền thống mà mỗi người dân Thủ Thừa từ thế hệ này qua thế hệ khác đều hết sức quý trọng, nâng niu giữ gìn và phát huy trong cuộc sống đấu tranh với thiên nhiên và đấu tranh chống áp bức, bóc lột xã hội.

Nhưng ở thời bấy giờ những người dân lưu tán ấy dù lên rừng, xuống biển hay giấu mình vào những nơi hoang vu, sình lầy để kiếm sống, đi đâu họ cũng không tránh khỏi ách thống trị của chế độ phong kiến sớm muộn sẽ vươn tới.

Quả như vậy vào những năm cuối thế kỷ 17 (1896) với việc Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Chu) vào kinh dinh đất Đồng Nai, chính quyền phong kiến họ Nguyễn đã bắt đầu (chuẩn định thuế đinh, điền và lập bộ tịch thực đinh điền" thu thuế, tô, vơ vét sản phẩm lao động của người dân khai phá. Cạnh đó chúng còn kêu gọi những địa chủ giàu có ở miền Trung đem tôi tớ, chiêu mộ dân lưu  vong vào khai khẩn vừa để mở rộng địa bàn cát cứ, vừa để tạo cơ sở xã hội cho sự thống trị của chính quyền phong kiến tại đây.

Được chính quyền phong kiến khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi, bọn địa chủ giàu có từ miền trung vào, một mặt tận dụng mọi tiềm lực vốn có của mình (tiền bạc, phương tiện, tôi tớ) đẩy nhanh việc khai khẩn đất hoang, tậu nhiều ruộng đất, mặt khác dựa vào thế lực chính trị và kinh tế, dùng mọi thủ đoạn, mọi biện pháp để thâu tóm, chiếm đoạt từng mảnh ruộng đất nhỏ bé của những người nông dân lưu tán khai phá đang gặp nhiều khó khăn. Những nông dân mất ruộng, phải rơi vào địa vị tá điền hoặc người cày thuê, cuốc mướn... lại còn bị bóc lột tô, tức hết sức nặng nề của bọn điền chủ. Mất ruộng, họ mất luôn cả quyền tự do ít nhiều đã có trước đây và cuộc sống của họ vốn đã vất vả lại càng khổ cực hơn.

Bị mất đất, bị phá sản, lâm vào cảnh bần cùng, một bộ phận nông dân nghèo khổ đã phải bỏ làng, bỏ quê một lần nữa đi tìm đường sinh sống nơi khác. Tình trạng nông dân nghèo "tái lưu tán" diễn ra thường xuyên và ngày càng trầm trọng. Tất cả những tình hình nói trên đã làm nảy sinh những mâu thuẩn xã hội ngày một gay gắt: giữa một bên là giai cấp địa chủ và chính quyền phong kiến, và một bên là nông dân nghèo.

Những mâu thuẫn xã hội ấy chỉ chờ có cơ hội thuận tiện là bùng nổ thành những cuộc đấu tranh quyết liệt của nông dân để giành lại ruộng đất, giành quyền sống. Và cơ hộ đó đã đến với cuộc khởi nghĩa của nông dân Tây Sơn vào Gia Định (từ năm 1776-1785) đánh đuổi bọn Nguyễn Ánh, trong đó có những trận đánh ở sông Bến Lức (lúc ấy thuộc Thủ Thừa) vào tháng 3 năm 1778, tháng 4 và tháng 7 năm 1782.

Cuối năm 1784, Nguyễn Ánh rước 5 vạn quân Xiêm vào xâm lược nước ta. Trước sự tàn bạo của giặc Xiêm và hành động rước voi giày mã tổ của Nguyễn Ánh, nhân dân Thủ Thừa cùng với nhân dân trong vùng đã nô nức tham gia nghĩa quân, nhiều người trai tráng đã tự nguyện tham gia cánh quân bộ của nghĩa quân Tây Sơn. Cánh quân này xuất phát từ Sài Gòn băng qua Tân An xuôi xuống Mỹ Tho để ngăn chặn giặc, góp phần làm nên chiến thắng vang dội ở trận Rạch Gầm – Xoài Múc (tháng 1 năm 1785), nghĩa quân Tây Sơn đã tiêu diệt gần 4 vạn quân Xiêm và hàng nghìn quân Nguyễn Ánh làm thất bại hoàn toàn âm mưu của phong kiến Xiêm.

Sự hưởng ứng mạnh mẽ và tích cực của nhân dân Tân An, trong đó có nông dân Thủ Thừa vào cuộc chiến đấu của nghĩa quân Tây Sơn chống quân xâm lược Xiêm và bè lũ bán nước Nguyễn Ánh. Hưởng ứng cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi chống lại triều đình nhà Nguyễn (1833) nói lên tinh thần đấu tranh kiên cường bất khuất chống áp bức, bóc lột, chống xâm lược để bảo vệ truyền thống, bảo vệ quê hương đất nước của họ ngay trong quá trình khai phá đất đai, tạo dựng cuộc sống trên vùng đất mới.

Khi thực dân Pháp chiếm được Nam Bộ, nhân dân ta lâm vào cảnh "một cổ hai tròng", cuộc sống lại thêm muôn phần điêu đứng, Việt Nam từ một xã hội phong kiến, chuyển thành một xã hội thuộc địa nữa phong kiến.

Với những chính sách của chính quyền thực dân Pháp giành cho bọn điền chủ Pháp và điền chủ Việt Nam nhiều đặc quyền, đặc lợi, ruộng đất của nông dân bị chiếm đoạt vô tội vạ. Ở Thủ Thừa có những điền chủ chiếm hàng trăm hécta như: Bang Sánh (Triệu Sánh) cai tổng Dinh, Hội Đồng Sầm...

Bọn địa chủ cường hào ngày càng bao chiếm nhiều ruộng đất khống chế và bóc lột những người nông dân nghèo mất đất hoặc thiếu đất, những người này rơi vào địa vị tá điền hay làm mướn, đã bị bọn điền chủ bóc lột tô, tức hết sức nặng nề. Không những thế, họ còn bị triều đình nhà Nguyễn vơ vét thông qua chính sách thuế khoá ngày càng nặng nề, ngoài việc thu thuế khác như thuế thân đinh, thuế sản vật, thuế tàu thuyền...

Ngoài thuế khoá, sưu dịch, người nông dân nghèo còn phải chịu thêm biết bao sự nhũng nhiễu vơ vét của đám quan lại các cấp.

"Có áp bức bóc lột thì có đấu tranh chống áp bức bóc lột", "có xâm lược thì có đấu tranh chống xâm lược".

Ngay từ những ngày đầu thực dân Pháp xâm lược Nam Bộ, nhân dân cả Nam Bộ, trong đó có nông dân Thủ Thừa, Tân An đã nhứt tề đứng lên, từ người nông dân nghèo khổ, người điền chủ, người nho sĩ, người công chức, mọi người đều hăng hái quyết tâm chống giặc, làm sáng ngời truyền thống tự chủ bất khuất của dân tộc ta. Trước một kẻ thù xâm lược mới mà từ tổ chức chỉ huy cho đến trang bị vũ khí hiện đại đều là sản phẩm của công nghiệp tư sản, nhân dân ta đã kiên gan, bền chí đánh giặc và đã tìm ra nhiều cách đánh thông minh, sáng tạo gây cho chúng nhiều thiệt hại đáng kể, trong khi triều đình Huế thoả hiệp đầu hàng thực dân Pháp, nhân dân khắp lục tỉnh nô nức mộ binh, tổ chức thành những đạo quân ứng nghĩa và các toán dân dũng tự phòng vệ các thôn xã đã bao vây, chặn đánh quân địch khắp nơi và do phải điều quân đối phó ở Đà Nẵng và các nơi khác, quân Pháp phải mất 8 năm (kể từ tháng 2/1859 bắt đầu chiếm thành Gia Định đến tháng 8/1867) mới chiếm được Nam Bộ.

Trong năm 1860, có Dương Bình Tâm (một trong "Tân An tam kiệt" đã đem 2.000 "dân ấp, dân lân" đánh vào chùa Chợ Rẩy, một vị trí quan trọng mà địch vừa chiếm được.

Năm 1861 các đội vũ trang tự động của Thủ Thừa – Tân An đã phục kích, chặn đánh địch từng bước, khiến địch phải mất 12 ngày mới tiến chiếm được tỉnh, thành Định Tường, sau khi phải chịu nhiều tổn thất nặng nề.

Tại vùng Gò Đen, Phạm Tiển mộ được hơn 1.000 nghĩa quân, nhân dân tại đây đã đóng góp sức người, sức của quyên góp lương thực, vũ khí cho nghĩa quân. Quần nhau với giặc gần nữa năm mãi đến tháng 9/1861, để tránh bị bao vây cô lập, nghĩa quân phải rút đi nơi khác, nhưng vẫn qua lại tập kích quân Pháp ở vùng này.

Do các toán nghĩa dũng của ta, tấn công vào quân Pháp ở mọi nơi, mọi lúc. Các đồn bót, các cuộc hành quân, trú quân trên bộ của giặc liên tục bị tập kích, phục kích và ở vùng nhiều sông, rạch, địch dùng pháp thuyền, tàu sắt, có trang bị đại bác để làm "đồn bót lưu động", ban ngày thì xuôi ngược tuần tiễu, ban đêm thì neo đậu giữa dòng sông canh giữ, nên rất cơ động, bọn địch cho rằng với vũ khí thô sơ, nghĩa quân không thể nào tấn công hay phá nổi.

Thế nhưng, vào ngày 10 tháng 12 năm 1861, nghĩa quân của Nguyễn Văn Lịch đã đốt cháy tàu Espérance sông Nhựt Tảo, làm giặc Pháp kinh hồn.

Nguyễn Văn Lịch (Quản Lịch) sinh năm 1838, tại Bình Thôn thuộc Tổng Bình Cách Thượng, huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia định. Đây là vùng đất có nhiều sông ngòi, người nào cũng biết bơi lội, nên ngay từ nhỏ, Nguyễn Văn Lịch đã gắn bó với kênh, sông nước và sống bằng nghề chài lưới. Nơi đây cũng là nơi có nhiều lò võ và có nhiều thầy dạy võ nổi tiếng. Nhờ vậy khi lớn lên Nguyễn Văn Lịch rất giỏi võ nghệ và luôn thể hiện tinh thần thượng võ, đức tính can đảm, mưu trí linh hoạt.

Từ khi thành Gia Định rơi vào tay giặc Pháp (18/2/1859) ông đã gia nhập nghĩa quân sát cánh cùng Trương Định tham gia trận đánh bảo vệ đại đồn Chí Hoà (25/2/1861) và sau khi đại đồn Chí Hoà thất thủ, Nguyễn Văn Lịch chính thức giữ chức quyền sung quản binh đạo, trực tiếp chỉ huy một toán nghĩa quân chống Pháp ở Tân An, nên thường được gọi là Quản Lịch hay Quản Chơn. Và đến tháng 6/1877 khi ông lui về hòn Chông (Rạch Giá) thì ông đổi tên thành Nguyễn Trung Trực.

Về chiến thắng "Hoả Hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa" (10/12/1861) lúc bấy giờ, thực dân Pháp dựa vào ưu thế của lực lượng thuỷ quân nên đưa một loạt tàu chiến án ngữ trên các dòng sông để tuần tra, kiểm soát đường giao thông thuỷ bộ, chiếc pháo hạm nhỏ "Espérance" được thả neo ở vàm Nhựt Tảo như một tiền đồn nổi trên sông Vàm Cỏ Đông.

Tàu Espérance do tên Trung uý hải quân Parfait chỉ huy, được trang bị một khẩu đại bác với số quân trên 25 lính Pháp và lích Tagal. Ở trên bờ còn có khoản 20 lính Mã Tà đóng quân.

Đầu tháng 12/1861, Nguyễn Văn Lịch kéo quân về đóng tại ngọn Rạch Tảo. Nhựt Tảo nằm trên sông Vàm Cỏ Đông giữa Bến Lức và bao ngược trên sông Vàm Cỏ Đông. Ông tập trung điều nghiên tình hình vận chuyển của tàu giặc. Sau khi nắm chắc tình hình địch, Nguyễn Văn Lịch cùng với hai sung phó quản binh đạo là Nguyễn Văn Sang và Hoàng Khắc Nhượng trực tiếp chỉ huy 89 nghĩa quân xuống thuyền tiến đánh tàu địch. Nghĩa quân được chia làm 2 mũi tiến công.  Một bộ phận gồm khoảng 30 nghĩa quân phục kích trên bờ, tấn công vào toán lính Mã Tà, còn bộ phận thứ 2 gồm khoản 29 người được chở trên 5 chiếc ghe mui lớn, trên ghe chở đầy đuốc và con cúi… thả trôi theo dòng nước chảy chậm giả làm ghe buôn, cặp vào tàu Espérance, để xin ghi giấy phép chuyên chở. Sau khi đâm chết tên phó chỉ huy, Nguyễn Văn Lịch dùng hoả công đốt cháy tàu giặc trên Vàm Nhựt Tảo vào trưa ngày 10/12/1861, địch thiệt mạng 17 tên, chỉ có 5 tên gồm 2 Pháp và 3 tên lính Tagal là thoát mạng.

Do trận thất bại thảm hại này, mấy hôm sau giặc Pháp ra lệnh đốt cháy hết nhà cửa của dân trong thôn Nhựt Tảo. Quốc sử quán Triều Nguyễn đã ghi chép và khen thưởng cho trận Nhựt Tảo như sau:… "Vua thưởng cho bọn Lịch làm quản cơ, Nhượng, sang cộng 20 người làm cai đội đều cho ngân tiền và thưởng chung cho binh lính 1.000 quan tiền, 4 người bị chết cấp chi tiền tuất gấp hai lần và ấm nhiêu cho con hay cháu gọi bằng chú, bác ruột lại chẩn cấp cho những nhà thôn ấy bị Tây Dương đốt cháy…".

Rõ ràng chiến thắng "Hoả Hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa" còn tiếng vang rất lớn lúc bấy giờ, vì đây là lần đầu tiên quân ta đã chủ động tấn công và giành thắng lợi lớn trong một trận thuỷ chiến. Chiến thắng này đã làm cho dư luận trong nhân dân và nghĩa quân phấn khởi, còn kẻ thù thì bàng hoàng trở tay không kịp. Từ sau chiến thắng Nhựt Tảo, hàng loạt cuộc tấn công khác đánh vào tàu địch trên các sông rạch liên tiếp diễn ra như trận đánh tàu tuần tiễu trên sông Bến Lức (tháng 12/1862) rồi kết tiếp là trận sông Trà Cú ( ngày 16/12/1862)… chiến sự ngày càng bùng lên dữ dội, lực lượng hải quân mà Pháp thường tự hào cho là lực lượng chủ yếu và hùng mạnh từng chiếm ưu thế trong quá trình tiến hành xâm lược ở Gia Định và các tỉnh Nam Kỳ, thì nay lại lúng túng, bị động, yếu thế thấy rõ. Vì vậy với chiến thắng Nhựt Tảo (10/12/1861) tên tuổi người anh hùng Nguyễn Văn Lịch vang đi khắp nơi. Kinh nghiệm lối đánh mưu trí, dũng cảm, táo bạo của nghĩa quân Nguyễn Văn Lịch đã được quần chúng phổ biến rộng rãi.

Sau chiến thắng "Nhựt Tảo" Nguyễn Trung Trực lại lập thêm một chiến công mới là trận tấn công đồn Rạch Giá vào 4 giờ sáng ngày 16/6/1868, đây cũng là lần đầu tiên quân ta lấy đồn giặc ngay tại sào huyệt của chúng ở tỉnh lỵ. Bằng lối đánh sáp lá cà, tất cả bọn giặc Pháp và lính Nam giữ đồn đều bị giết sạch, chỉ trừ tên cai Pháp (Duylessix) không ngủ tại đồn, đồn bị quân ta phóng lửa cháy rực trời.

Để ca ngợi 2 chiến công trên của Nguyễn Văn Lịch (Nguyễn Trung Trực) nhân dân đã truyền tụng hai câu thơ nổi tiến của Huỳnh Mẫn Đạt:

"Hoả hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa.

Kiếm bạt Kiên Giang khiếp quỷ thần".

Hoả hồng Nhựt Tảo: lửa thiêu tàu giặc cả một vùng Nhựt Tảo động đến đất trời

Kiếm bạt Kiên Giang: lưỡi gươm chính nghĩa vùng lên, quỷ thần phải kính nể, bắt kẻ thù phải đền tội. Và câu nói bất hủ "Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì nước Nam mới hết người đánh Tây" của  Nguyễn Trung Trực nói lên ý chí và quyết tâm chiến đấu giành độc lập tự do của nhân dan Nam bộ lúc bất giờ. Chiến công của Nguyễn Trung Trực cùng với các cuộc nổi dậy của quần chúng và tiến công của nghĩa quân Trương Công định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân… chỉ huy được nhân dân khắp nơi, trong đó có nhân dân Thủ Thừa hưởng ứng và tham gia đã diễn ra liên tiếp trong những năm 1861, 1862, 1863,… 1866.. đã nói lên truyền thống kiên cường bất khuất, không nề hy sinh tổn thất, quyết tâm kháng chiến, bất chấp thái độ đầu hàng, phản bội của triều đình phong kiến nhà Nguyễn.

Cũng như tất cả các phong trào chống Pháp của nhân dân ta thời bấy giờ, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Thủ Thừa (Tân An) và của nhân dân các tỉnh Nam bộ, do điều kiện chủ quan và khách quan bất lợi, nên cuối cùng bị thất bại. Phong trào tuy bị dập tắt, nhưng ý chí đấu tranh và tinh thần bất khuất của người dân thì không hề mai một.

Sau khi đã hoàn thành cuộc bình định về quân sự, thực dân Pháp tập trung vào việc thiết lập bộ máy cai trị của chúng trên toàn cõi Nam kỳ và cả nước, những tên cai trị có năng lực được cử sang làm toàn quyền ở Đông Dương, nhằm nhanh chóng ổn định việc cai trị và bước đầu tổ chức khai thác tài nguyên ở xứ này để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế của chính quốc và cho cuộc chiến tranh giành giật thuộc địa của thực dân Pháp.

Bộ máy cai trị của thực dân Pháp ở Đông Dương được hình thành với cơ quan cai trị cao nhất ở Đông Dương là phủ toàn quyền do viên toàn quyền đứng đầu. Toàn quyền là người đại diện trực tiếp của chính phủ Pháp ở Đông Dương, có quyền tổ chức các công sở, chỉ định các viên chức cai trị, chịu trách nhiệm về việc phòng thủ Đông Dương, lập và duyệt ngân sách hàng năm.

Dưới phủ toàn quyền là các quan cai trị hàng xứ được tổ chức theo đặc điểm từng nơi.

Về thực chất, cả Đông Dương là thuộc địa của Pháp, nhưng về hình thức thì Nam kỳ là thuộc địa, là một lãnh thổ Hải ngoại của Pháp, có đại biểu quốc hội ở Pháp, còn Bắc kỳ và Trung kỳ là xứ "bảo hộ".

Cơ quan cai trị ở Nam kỳ gọi là Phủ Tổng Đốc, đứng đầu là một thống đốc đại diện trực tiếp của phủ toàn quyền, còn ở Bắc kỳ viên cai trị cao nhất là thống sứ, ở Trung kỳ là khâm sứ. Về cấp tỉnh ở Nam kỳ đứng đầu tỉnh là viên tham biện chánh chủ tỉnh, cũng gọi là chánh tham biện, ở Bắc và Trung kỳ còn gọi là công sứ.

Đơn vị cai trị cơ sở là xã (làng, ở đây về cơ bản thực dân Pháp vẫn giữ tổ chức cũ của Nam triều. Dân trong làng được xếp hạng thành tráng đinh (người có tài sản ít nhiều phải nộp thuế) và bạch định (người không có tài sản). Năm 1904 toàn quyền ra nghị định chấn chỉnh ban hội tề làng là 11 người, năm 1927 lại ra nghị định quy định tổ chức hành chánh cấp làng ở Nam kỳ gồm 12 người (thay vì 11) chứng tỏ Pháp muốn can thiệp mạnh hơn vào việc quản trị làng. Hệ thống chính quyền này được duy trì về cơ bản cho đến Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Đi đôi với việc thiết lập bộ máy cai trị, thực dân Pháp thi hành chính sách khai thác về kinh tế nhằm vơ vét bóc lột tài nguyên và lao động của nước ta, để làm giàu cho chính quốc.

Để có ngân sách chi tiêu cho bộ máy cai trị, thực dân Pháp duy trì thuế đinh và thuế điền. Thuế đinh còn gọi là thuế thân đánh vào tất cả mọi người, đàn ông đến tuổi 18 có hộ tịch trong làng. Tăng mức thu thuế điền trước đóng 7 quan (tứ 1 đồng) một mẫu ta, từ năm 1897 tăng lên thành 1,5 đồng và chúng còn quy định lại diện tích mẫu đóng thuế. Trước đó một mẫu Bắc bộ là 4.970 mét vuông, rút xuống 3.680 mét vuông. Rồi sau đó còn 3.000 mét vuông. Như vậy nông dân đóng thuế tăng cả hai chiều.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, thực dân Pháp thi hành chính sách cướp đoạt ruộng đất của nông dân để nuôi béo bọn điền chủ Pháp. Toàn quyền Đông Dương cho phép bọn "Cô lông" người Pháp được phép chiếm đoạt ruộng đất của nông dân theo hình thức nhượng với những điều kiện rất rộng rãi. Với chính sách này vào năm 1893 tên (Mugion) chiếm 1.425 hecta ở làng Lương Hoà, tên Lamốt (Lamote) chiếm 716 hecta ơ làng Tân Tạo (Trung Quận), năm 1894 tên Pherâyra (Fé raira) chiếm 550 hecta ở làng An Ninh (Đức Hoà). Năm 1896 tên Lamuru(Lamouroux) chiếm 2.040 hecta ở làng Đức Hoà (Đức Hoà).

Với chính sách ruộng đất nói trên, thực dân Pháp đã đưa tới sự hình thành chế độ sở hữu ruộng đất lớn ở Nam kỳ và số điền chủ lớn phần nhiều là người Pháp. bọn điền chủ Pháp vẫn duy trì phương thức khai thác kiểu cũ, kiểu phong kiến, tức là cho nông dân lãnh canh, thu tô… do đó, năng suất rất thấp, cùng với việc cướp ruộng đất, thực dân Pháp lại ra sức vơ vét lúa, gạo để xuất cảng với sống lượng ngày càng nhiều.

Tất cả những tình huống trên: thu thuế, cướp ruộng đât, thu tô cao, vơ vét lúa gạo để xuất cảng, phương thức canh tác cũ kỹ làm cho nông nghiệp ở Thủ Thừa cũng như ở toàn tỉnh Tân An vẫn ở nguyên tình trạng độc canh, năng suất rất thấp, lại bị vơ vét cùng kệt để đáp ứng cho nhu cầu xuất cảng rất cao, nên rơi vào tình trạng hấp hối.

Trên lĩnh vực công nghiệp, thực dân Pháp cho lập ra một hệ thống các hầm mỏ, công trường, xí nghiệp của tư sản Pháp, Hoa kiều và Việt Nam mà giới hạn đã được chính quyền thực dân xác định ngay từ đầu là "nền công nghiệp đó không làm hại đến công nghiệp chính quốc", trong giới hạn đó, công nghiệp ở Tân An- Chợ Lớn không có gì, ngoài nhà máy đường Hiệp Hoà được thành lập tháng 4/1923, sản xuất hàng năm 17.000 tấn và một vài cơ sở tiểu thủ công nghiệp địa phương như các  lò gạch, xưởng cưa, lò đường thủ công…

Qua việc khai thác và các chính sách về kinh tế của thực dân Pháp đã  xuất hiện một số tầng lớp, giai cấp mới như: tuyệt đại đa số là nông dân do sự bóc lột tàn tệ của địa chủ và bị sưu cao, thuế nặng, một bộ phận bị phá sản, phải bán vợ, đợ con để trả tô cho địa chủ, nộp thuế cho chính quyền phong kiến một số người phải bỏ làng đi làm tá điền ở các đồn điền trồng cây công nghiệp của Pháp, số khác ra thành thị kiếm ăn bằng các nghề phụ, làm thuê, làm mướn, cuộc sống rất bấp bênh, một số nhỏ vào các nhà máy của tư sản Pháp, Việt, bước đầu chịu sự bóc lột của tư sản phương Tây không kém phần tàn bạo. Bên cạnh đó, đã xuất hiện tầng lớp bóc lột mới, bọn này phần lớn là những đầy tớ trung thành của thực dân Pháp, được thưởng công bằng ruộng đất hoặc cậy quyền, cậy thế cướp ruộng đất của nông dân. Vào đầu thế kỷ 20 cũng sản sinh ra lớp tư sản đầu tiên như các chủ xí nghiệp, chủ xưởng thủ công. Ở Thủ Thừa cũng xuất hiện một số thương nhân lớn, thương lái đường dài và các chủ vựa. Tầng lớp này có sự bất mãn vì sự chèn ép của tư sản pháp, Hoa kiều. Trong xã hội còn xuất hiện một tầng lớp xã hội khá đông đảo là tầng lớp tiểu tư sản thành thị bao gồm những tiểu thương, tiểu thủ, vống liếng ít, làm ăn nhỏ và những viên chức nhỏ, cuộc sống của họ cũng quá eo hẹp, ngoài ra cũng xuất hiện một số những nhà trí thức, nho học mới, họ có lòng yêu nước, nung nấu tâm cang tìm con đường đi cứu nước đúng đắn.

Tóm lại trong khoảng 30 năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 (kể từ năm 1884) chính sách cai trị của thực dân Pháp với chính sách khai thác thuộc địa đã làm cho nền kinh tế nước ta hoàn toàn phụ thuộc vào nền kinh tế Pháp, vẫn duy trì nguyên vẹn quan hệ sản xuất phong kiến và kiểu bóc lột phong kiến, kinh tế tư sản trong nước bị kiềm hãm không phát triển được, các ngành nghề thủ công bị tan rã. Nền kinh tế đất nước bị kiệt quệ. Nông dân ngày càng bị bần cùng hoá. Nông dân, công nhân lâm vào cảnh đói rét thường xuyên. đời sống của các tầng lớp khác cũng luôn luôn bị đe doạ. Tình cảnh kinh tế- xã hội của Thủ Thừa cũng trong tình trạng ấy.

Sự áp bức gay gắt về chính trị và sự bóc lột tàn bạo về kinh tế của thực dân Pháp và địa chủ phong kiến đã gây nên sự phản ứng mạnh mẽ của nông dân Việt Nam nói chung, nhân dân Thủ Thừa- Long An nói riêng. Các tầng lớp nhân dân, công nhân và dân nghèo thành thị và các tầng lớp tư sản, tiểu tư sản, tiểu tư sản trí thức… đòi hỏi phải giải quyết 2 mâu thuẫn cơ bản trong xã hội lúc bấy giờ. Mâu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam ta với thực dân Pháp và mâu thuẫn giữa nhân dân ta (chủ yếu là nông dân )với giai cấp địa chủ phong kiến. Đó là cơ sở kinh tế và xã hội làm nền cho một phong trào dân tộc và dân chủ có điều kiện nẩy nở và phát triển.

Cũng như tất cả các phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta thời bấy giờ, cuộc kháng chiến và đấu tranh của nhân dân tỉnh Tân An trong đó có Thủ Thừa cuối cùng đã thất bại, các lãnh tụ của nghĩa quân và các Đảng phái tư sản khác không có khả năng và không thể đề ra một đường lối giải quyết hai mâu thuẫn cơ bản của xã hội nước ta đòi hỏi.

Tuy vậy tinh thần yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của nhân dân thì không hề mai một.

Thư viện ảnh