image banner
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Phòng, chống bệnh Lở mồm long móng gia súc năm 2024

1. Phòng bệnh

1.1. Giám sát dịch tể bệnh

Giám sát lâm sàng: được thực hiện thường xuyên, liên tục, đặc biệt đối với gia súc mới đưa vào địa bàn, mới nuôi, gia súc trong vùng có ổ dịch cũ, địa bàn có nguy cơ cao do cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương xác định.

Giám sát bị động ổ dịch, lưu hành vi rút: lấy mẫu bệnh phẩm để xác định bệnh, giám sát lưu hành vi rút, giám sát biến đổi của vi rút hoặc lấy mẫu huyết thanh để giám sát lưu hành kháng thể do nhiễm bệnh tự nhiên.

Giám sát sau tiêm phòng

+ Giám sát sau tiêm phòng để đánh giá kết quả và khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia súc sau khi được tiêm vắc-xin.

+ Lấy mẫu huyết thanh để xét nghiệm kháng thể bảo hộ sau tiêm phòng.

+ Thời điểm lấy mẫu: sau 21 ngày kể từ thời điểm tiêm phòng gần nhất.

1.2. Tiêm phòng vắc-xin để phòng bệnh

- Tổ chức 02 đợt tiêm phòng tập trung (đợt chính) trước thời điểm dịch bệnh LMLM thường xảy ra tại địa phương;

- Ngoài đợt tiêm phòng tập trung, thường xuyên rà soát, tiêm vắc-xin LMLM bổ sung cho đàn gia súc chưa được tiêm phòng, phát sinh, nhập đàn trước và sau đợt tiêm tập trung.

- Tiêm phòng vắc-xin đúng đối tượng, đúng quy trình, đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

- Sử dụng vắc-xin tiêm phòng

+ Trên heo: sử dụng vắc-xin phòng bệnh LMLM 1 type O.

+ Trên trâu, bò, dê: sử dụng vắc-xin LMLM 2 type (O, A) hoặc type (O).

+ Trên bò sữa: sử dụng vắc-xin LMLM 2 type (O, A) hoặc 3 type (O, A, Asia-1).

- Tùy theo tình hình dịch tễ bệnh LMLM, type vi rút gây bệnh LMLM có sự biến đổi, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản (CCCNTYTS) tỉnh đề nghị sử dụng loại vắc-xin tiêm phòng thích hợp.

1.3. Khử trùng tiêu độc

Hướng dẫn người chăn nuôi duy trì vệ sinh, tiêu độc môi trường, phát quang bụi rậm, quét dọn chuồng trại, thu gom chất thải, phun hóa chất để diệt mầm bệnh. 

Việc tổ chức khử trùng, tiêu độc tập trung sẽ thực hiện theo Kế hoạch khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi năm 2024.

2. Chống dịch

2.1. Xử lý thông tin báo dịch ban đầu 

- Khi tiếp nhận thông tin hoặc phát hiện gia súc nghi ngờ nhiễm bệnh LMLM, UBND các xã, thị trấn xác minh, báo cáo Trạm Chăn nuôi và Thú y tiến hành điều tra dịch bệnh; hướng dẫn người chăn nuôi phòng, chống bệnh. Trường hợp gia súc có triệu chứng điển hình của bệnh LMLM thì tổ chức khống chế dịch bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, báo cáo UBND huyện và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh.

- Xử lý gia súc mắc bệnh LMLM được xử lý theo Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, như sau:

+ Đối với trâu, bò dê, cừu, hươu, nai: tiêu hủy bắt buộc gia súc chết, gia súc mắc bệnh trong ổ dịch đầu tiên khi mới xuất hiện tại ấp hoặc gia súc mắc bệnh với type vi rút LMLM mới hoặc type vi rút không xuất hiện trên địa bàn trong thời gian 10 năm trở lại đây. Đối với gia súc không thuộc diện nêu trên thì khuyến khích tiêu hủy; trường hợp không tiêu hủy thì được giết mổ tiêu thụ tại chỗ hoặc đánh dấu và nuôi giữ tại địa phương theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương trên cơ sở thời gian mang trùng của từng loài (02 năm đối với trâu bò, 09 tháng đối với cừu, 04 tháng đối với dê).

+ Đối với heo: tiêu hủy bắt buộc toàn bộ số heo mắc bệnh trong ổ dịch với triệu chứng lâm sàng điển hình để giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch, cách ly heo khỏe mạnh trong cùng đàn với heo mắc bệnh để theo dõi.

+ Đối với vùng, cơ sở đã được công nhận an toàn dịch bệnh LMLM: thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc gia súc mắc bệnh LMLM và xử lý ổ dịch theo quy định.

+ Việc xử lý gia súc mắc bệnh phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh LMLM hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận gia súc bị mắc bệnh LMLM.

+ Việc xử lý gia súc mắc bệnh theo hướng dẫn tại Phụ lục 06 ban hành kèm theo Thông tư số 07/2016/BNNPTNT.

- Chi hỗ trợ công tác chống dịch (trường hợp đã công bố dịch) hoặc nghi ngờ ổ dịch đầu tiên cần phải tiêu hủy để tránh lây lan (trường hợp chưa đủ điều kiện công bố dịch) theo quy định hiện hành.

2.2. Triển khai biện pháp chống dịch

- Khi có kết quả xét nghiệm dương tính (+) với vi rút LMLM hoặc nghi ngờ bệnh LMLM, UBND các xã, thị trấn tổ chức khống chế ổ dịch; áp dụng quy trình ứng phó khẩn cấp ổ dịch gồm 2 biện pháp: pháp chế và kỹ thuật.

* Biện pháp về pháp chế: các văn bản hướng dẫn về phòng chống bệnh LMLM gia súc.

- Trạm Chăn nuôi và Thú y phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ phân vùng dịch bệnh, tham mưu UBND huyện công bố dịch, xây dựng kế hoạch khống chế dịch bệnh cụ thể để triển khai thực hiện trên địa bàn; tổ chức thống kê tổng đàn, phân loại đàn gia súc thuộc diện tiêm phòng, đăng ký nhu cầu vắc-xin và vật tư, hóa chất hỗ trợ chống dịch.

- Công bố dịch

Dịch bệnh xảy ra trong phạm vi cấp xã hoặc huyện: khi đủ điều kiện theo quy định, dịch đang lây lan rộng, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện đề nghị UBND huyện công bố dịch theo quy định của pháp luật.

Khi có quyết định công bố dịch, tiến hành thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định tại Quyết định số 16/2016/QĐ-TTg ngày 29/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc thành lập và tổ chức, hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp.

- Công bố hết dịch

Việc công bố hết dịch khi đáp ứng các điều kiện sau:

+ Sau thời gian 21 ngày, kể từ ngày con vật khỏi bệnh hoặc xử lý cuối cùng (không phát sinh thêm) và hoàn thành công tác tiêm vắc-xin LMLM; đồng thời, đã thực hiện đầy đủ, hiệu quả các biện pháp khống chế ổ dịch.

+ Có văn bản đề nghị công bố hết dịch bệnh động vật của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y huyện và văn bản chấp thuận công bố hết dịch gửi kèm theo biên bản thẩm định điều kiện công bố hết dịch của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp trên.

* Biện pháp về kỹ thuật: xử lý ổ dịch, thông tin tuyên truyền, tiêm phòng khẩn cấp, tiêm phòng bao vây, vệ sinh sát trùng và kiểm soát vùng dịch, kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ.

a) Xử lý ổ dịch 

Xử lý các ổ dịch bệnh phát sinh theo hướng dẫn tại Phụ lục 10 ban hành
 kèm theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông
 nghiệp và Phát triển Nông thôn (như đã nêu ở trên).

b) Thông tin tuyên truyền 

Tăng cường truyền thông hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, các biện pháp an toàn sinh học, quản lý chăn nuôi, tiêm phòng, diễn biến dịch bệnh.

c) Tiêm phòng chống dịch

- Hỗ trợ miễn phí vắc-xin tiêm phòng chống dịch khi có quyết định công bố dịch LMLM. Trường hợp dịch LMLM xảy ra nhỏ lẻ (chưa công bố dịch) hoặc ca bệnh nghi ngờ, tùy theo diễn biến dịch bệnh Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xem xét giải quyết cấp miễn phí vắc-xin tiêm phòng khống chế dịch, nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan rộng (vùng tiêm vắc-xin căn cứ khoanh vùng dịch tễ bệnh). Đối tượng được hỗ trợ miễn phí vắc-xin, gồm:

+ Đối với đàn heo: hỗ trợ miễn phí vắc-xin tiêm phòng đối với hộ chăn nuôi heo có qui mô tổng đàn không quá 100 con/hộ (≤ 100 con), lượng vắc-xin hỗ trợ tối đa đủ để tiêm phòng ≤ 50 con/hộ; số lượng heo còn lại trong đàn bắt buộc tiêm phòng cùng thời điểm, chủ hộ chi trả tiền vắc-xin và công tiêm phòng.

+ Đối với trâu, bò, dê: hỗ trợ miễn phí vắc-xin tiêm phòng đối với hộ chăn nuôi có quy mô tổng đàn không quá 20 con/hộ (≤ 20 con).

- Đối tượng không thuộc diện tiêm phòng miễn phí, tổ chức tiêm phòng bắt buộc toàn đàn gia súc cùng thời điểm.

- Tiêm phòng vắc-xin đúng đối tượng, đúng kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành thú y và nhà sản xuất.

- Tổ chức tiêm phòng tập trung, dứt điểm, trong thời gian 5-10 ngày, không kéo dài nhằm tạo miễn dịch đồng loạt.

+ UBND các xã, thị trấn thành lập Tổ tiêm phòng, thành phần gồm nhân viên thú y xã, thị trấn (hoặc thú y viên hoạt động trên địa bàn được huy động) và người dẫn đường. Tổ tiêm phòng phải ghi vào biểu mẫu, lập danh sách đề nghị cấp giấy chứng nhận tiêm phòng, lưu giữ vỏ chai. 

+ Trạm CNTY nhận vắc-xin từ CCCNTYTS tỉnh sau đó phân phối vắc-xin cho nhân viên thú y xã; nhân viên thú y xã quản lý vắc-xin và tổ chức tiêm phòng trên địa bàn quản lý. 

+ Kết thúc tiêm phòng, Trạm CNTY tiến hành thu hồi vỏ chai, lập biên bản tiêu hủy và thực hiện tiêu hủy theo quy định.

- Tùy theo tình hình dịch tễ và quy mô dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND tỉnh cấp bổ sung vắc-xin LMLM chống dịch.

d) Vệ sinh, khử trùng, tiêu độc 

- Thực hiện theo Kế hoạch khử trùng, tiêu độc chuồng trại chăn nuôi năm 2024.

- Kết hợp thực hiện vệ sinh, khử trùng, tiêu độc với công tác tiêm phòng khống chế dịch bệnh.

đ) Kiểm soát các vùng dịch; kiểm dịch vận chuyển và kiểm soát giết
 mổ

- Vùng có dịch: cấm người không có nhiệm vụ vào nơi có gia súc mắc bệnh hoặc chết; hạn chế người ra vào vùng có dịch. Cấm giết mổ, đưa vào, mang ra hoặc lưu thông trong vùng có dịch đối với gia súc và sản phẩm từ gia súc cảm nhiễm, trừ trường hợp được phép vận chuyển theo quy định.

- Vùng bị dịch uy hiếp: kiểm soát chặt chẽ việc đưa vào, mang ra khỏi vùng; việc giết mổ, vận chuyển gia súc và sản phẩm từ gia súc cảm nhiễm ở trong vùng bị dịch uy hiếp. 

- Vùng đệm: tăng cường kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; kiểm soát giết mổ đối với gia súc cảm nhiễm. 

 

3. Thời gian thực hiện: Từ tháng 01/2024 đến tháng 12/2024.

Thư viện ảnh